LĐA: Quyển 2 – Chương 1

Chương 1: Máu nhuộm đầm Bích Thủy

Dãy núi Thiên Sơn nằm ở vùng ngoài biên cương Tây Bắc xa xôi, bắt ngang qua Hắc Hãn Hồi Cốt và kéo dài đến Tây Hạ, là chỗ cao nhất gần sát với trời, đỉnh núi tuyết trắng phủ quanh năm vô cùng hùng vĩ.

Phái Thiên Sơn là một trong những môn phái lớn ra đời sớm nhất trên giang hồ và cũng là một môn phái thần bí nhất, võ học của phái được coi là khai sinh của võ học Trung Nguyên. Võ học kế tục của không ít nhân vật đức cao vọng trọng trong võ lâm hiện nay đều có phần bắt nguồn từ phái Thiên Sơn.

Song bởi vì phái Thiên Sơn tọa lạc ở nơi quá xa xôi và lại quá bí ẩn, thế nên suốt bao năm qua không được võ lâm Trung Nguyên biết đến nhiều, trước đây chỉ được coi là thánh địa võ học để đến lễ bái. Mãi đến khi có một người xuất hiện, khiến phái Thiên Sơn trở thành môn phái lớn đệ nhất thiên hạ, người đó chính là Thiên Tôn.

Người giang hồ thường nói rằng phải sáu mươi năm mới có một thời hoàng kim, vào thời đó sẽ có anh hùng tụ họp. Đến khi những anh hùng đó qua đời, thường thì võ lâm sẽ tĩnh lặng một thời gian dài mới có thời hoàng kim, đợt thiên tài và anh hùng tiếp theo xuất hiện.

Trước khi nhóm Triển Chiêu xuất hiện thì giang hồ đã yên bình rất lâu rồi, và trước khoảng thời gian đợi chờ dài đằng đẵng đó là thời đại cực kỳ huy hoàng của võ lâm Trung Nguyên.

Vào khoảng sáu mươi năm trước, võ lâm Trung Nguyên vô cùng hỗn loạn. Khi đó nhân tài võ lâm xuất hiện liên tục, cao thủ các nơi tụ họp, giang hồ giao tranh, cao thủ đấu võ, chiếm đoạt môn phái, gần như xảy ra mỗi ngày. Và trong cảnh loạn lạc đó có hai vị kỳ tài mà cho đến nay chưa ai có thể vượt qua được.

Cũng như vạn vật trên thế gian có âm sẽ có dương, có đen thì có trắng, các vị anh hùng cũng thường xuất hiện theo đôi theo cặp như vậy, vừa là kẻ thù vừa là bằng hữu, cạnh tranh lẫn nhau và chia đều thiên hạ.

Vào sáu mươi năm trước, hai nhân vật nổi danh nhất chính là Thiên Tôn và Ân Hậu.

Cuộc đời của hai người đó có thể nói là vô cùng huyền thoại, tuy nhiên điều huyền thoại nhất chính là thiên phú võ học đáng kinh ngạc của họ, cùng với đặc điểm tính cách cực đoan.

Phái Thiên Sơn có thể lọt vào tầm mắt của mọi người và xác lập được vị thế trong võ lâm Trung Nguyên là nhờ Thiên Tôn.

Thiên Tôn là tôn xưng mà mọi người gọi ông, còn về tên thật của Thiên Tôn là gì thì thiên hạ chẳng có ai biết.

Thiên Tôn và Ân Hậu giống nhau, đều có xuất thân cực kỳ bí ẩn. Chẳng có ai biết được họ đến từ đâu và hồi nhỏ đã trải qua điều gì, chỉ biết Thiên Tôn chạy xuống từ trên đỉnh núi Thiên Sơn cao sừng sững, Ân Hậu còn lạ lùng hơn, nghe đâu ông bò lên từ mười tám tầng địa ngục.

Võ công của cả hai khác nhau hoàn toàn, tính cách cũng khác biệt. Nhưng cũng chính hai người đã hô mưa gọi gió tại võ lâm vào thời điểm đó, tựa như hai con rồng rời biển, khuấy đảo đến nỗi đế vương và tướng sĩ thời bấy giờ ai nấy đều kính sợ họ ba phần. Một người thống nhất võ lâm chính phái Trung Nguyên, một người thống nhất võ lâm tà phái Trung Nguyên, hai người họ ai hắt hơi một cái thôi đã khiến thiên hạ run lẩy bẩy. Nhưng kể ra cũng lạ, hai người đó một chính một tà nhưng chưa bao giờ đối đầu đến cùng, chỉ thỉnh thoảng nói xấu lẫn nhau, khi rảnh rỗi còn vui vẻ uống rượu này kia, mối quan hệ rất vi diệu.

Cũng vì thế mà năm đó là thời đại hai phái chính tà sống hòa thuận nhất, tình trạng hỗn loạn đối địch trước đó cũng chấm dứt, sau khi hai người khuấy đảo võ lâm suốt bốn mươi năm thì cùng thoái ẩn giang hồ. Từ đó về sau, võ lâm Trung Nguyên đã xuất hiện bầu không khí hòa bình hiếm có, các môn phái phát triển thịnh vượng, thế hệ trẻ tuổi liên tiếp xuất hiện, chẳng còn đấu tranh quyết liệt như trong quá khứ nữa. Vì vậy, ngoài được tôn kính như thánh giả võ học thì Thiên Tôn và Ân Hậu cũng có tiếng tăm rất tốt trong triều đình và dân gian.

Tóm lại, Thiên Tôn là minh chủ chính phái thành công nhất, đồng thời là người duy nhất được mọi người công nhận và tin phục. Mà Ân Hậu thì lại là giáo chủ tà giáo huyền thoại và cũng ít bị người ta chỉ trích nhất.

Đương nhiên, minh chủ và giáo chủ này kia đều là xưng hô tôn kính mà thế hệ sau gọi hai người, chứ hai người họ chưa từng thừa nhận.

Sau khi Thiên Tôn và Ân Hậu thoái ẩn giang hồ đã để lại hai môn phái.

Thiên Tôn để lại phái Thiên Sơn, Ân Hậu để lại Ma Cung.

Nếu nói khi có Thiên Tôn và Ân Hậu thì hai môn phái lớn này vừa rầm rộ lại nổi trội, là kiểu bến đò lớn có khách nườm nượp, các nhân tài mới xuất hiện trên giang hồ luôn nghĩ mọi cách để vào hai phái này làm đệ tử.

Nhưng dựa theo việc tính cách của Thiên Tôn và Ân Hậu không giống nhau nên đồ đệ mà hai phái thu nhận cũng khác biệt, đến mức vài năm sau tình hình của hai phái đã khác hẳn.

Nói về phái Thiên Sơn trước.

Như đã nói trước đó, Thiên Sơn nằm ngoài biên giới nước Tống, núi cao mấy chục thước, chỉ có thần tiên hoặc giống thần tiên như Thiên Tôn mới về ở. Còn về nơi phái Thiên Sơn mở cửa nhận đồ đệ tuy có treo tấm bảng phái Thiên Sơn nhưng không phải ở Thiên Sơn, mà là tại “Tiểu Thiên Sơn”.

Mà “Tiểu Thiên Sơn” lại là nơi nào đây?

Tiểu Thiên Sơn nằm ở một nơi tên là trấn Bích Thủy tại biên giới Tây Bắc của nước Tống và tiếp giáp với phía Tây của phủ Hi Châu thuộc Tây Hạ.

Phủ Hi Châu là một địa phương rộng lớn nối liền hai vùng qua lại phía Tây và Nam, cực kỳ sầm uất. Trấn Bích Thủy là một thị trấn nhỏ, trong thành một núi mười tám đầm, phong cảnh như tranh vẽ.

Một núi mười tám đầm chính là toàn bộ thị trấn ngoại trừ một vùng đất bằng nho nhỏ thì đều bị chiếm giữ bởi một ngọn núi cao sừng sững, mà trên núi có mười tám đầm nước và rất nhiều thác nước đẹp tuyệt vời. Ngọn núi đó có tên thường gọi là núi Bích Thủy, chính là Tiểu Thiên Sơn trong truyền thuyết.

Phái Thiên Sơn nằm trên đỉnh Tiểu Thiên Sơn, phái Thiên Sơn chiếm diện tích rất lớn, sơn trang được xây dựng từ chân núi đến tận đỉnh núi. Trong môn phái có mấy ngàn đệ tử, còn chưa tính những người đã học xong xuống núi cùng với được phái cử đi các nơi, chưa kể đến những đệ tử tục gia nắm giữ tên tuổi phái Thiên Sơn, có thể nói là gia đại nghiệp đại.

Nhân sĩ võ lâm nhắc đến phái Thiên Sơn thường sẽ có vài nghĩa khác.

Phái Thiên Sơn mà Thiên Tôn cư ngụ nằm ở vùng ngoài biên cương, nơi đó ngoài Bạch Ngọc Đường, đồ đệ bảo bối duy nhất mà Thiên Tôn từng công nhận thì chưa có ai đến.

Và phái Thiên Sơn mà nhân sĩ võ lâm thường nói đến là nằm ở trên Tiểu Thiên Sơn tại trấn Bích Thủy thuộc phủ Hi Châu, nơi đây có mở cửa nhận đồ đệ, và chưởng môn hiện tại tên là Lục Phong.

Lại nói đến Ma Cung.

Tất nhiên Ma Cung không nằm ở mười tám tầng địa ngục gì đó, mà là được dựng xây ở một cung điện trên Ma Sơn. Vị trí cụ thể của Ma Sơn nằm ở đâu thì người đời lại có nhiều ý kiến khác nhau, chỉ có người trong Ma Cung thật sự mới biết thôi.

Nghe nói trong Ma Sơn có một khe vực cực kỳ to lớn và Ma Cung được xây dựng trong đó, xung quanh rừng cây um tùm, mà cơ quan còn chằng chịt nữa, người không biết đường đi vào vốn chẳng thể ra được.

Vì thế hiện nay người giang hồ chẳng biết cụ thể Ma Cung nằm ở đâu, chỗ đó cũng thành một chốn yên bình ngăn cách thế gian.

Quay lại những gì đã đề cập trước đó, bởi vì hai vị lão tổ tông của phái Thiên Sơn và Ma Cung có tính cách không giống nhau khiến cho tình hình hiện giờ cũng khác biệt.

Thiên Tôn là đứa con cưng của trời, nghe nói không chỉ thông minh thiên phú cao mà bề ngoài cũng rất nổi trội, là mỹ nam tử nhất nhì khi đó. Ông ấy nhận đồ đệ chỉ nhận thiên tài, nghe nói cả đời đều luôn tìm kiếm người kế thừa giống hệt như khi mình còn trẻ để bồi dưỡng. Hơn nữa tính cách của ông ấy tùy ý và còn lạnh nhạt, nghe đâu là cũng hơi trẻ con. Con đường tìm đồ đệ của ông ấy có thể nói là gập ghềnh, mới dạy người có chút thiên phú được mấy hôm đã nhận thấy người ta chưa đủ thông minh, chưa có đủ thiên phú, thế là hoặc ở lại phái Thiên Sơn làm đệ tử hoặc muốn thì về nhà đổi thầy khác, ông ấy tiếp tục tìm đồ đệ.

Có rất nhiều người chỉ trích cách làm này của Thiên Tôn, nhưng mà những đồ đệ bị ông ấy “vứt bỏ” trong lời đồn lại chẳng hề oán trách. Bởi vì võ công của Thiên Tôn vô cùng khó học, nếu như không có thiên phú vượt trội thì chẳng thể học được, thậm chí có thể tẩu hỏa nhập ma mất mạng. Hơn nữa Thiên Tôn là cao thủ trong cao thủ, những người từng được ông ấy dạy bảo dù chỉ là mấy chiêu thì cũng có lợi suốt đời, sau này vào giang hồ cũng là cao thủ trong cao thủ.

May mà ông trời có mắt, Thiên Tôn kiếm tìm cả trăm năm cuối cùng cũng để ông ấy tìm được Tiểu Bạch Ngọc Đường vào hai mươi năm trước.

Thiên Tôn nhìn người rất chuẩn, chỉ dạy vỏn vẹn hai mươi năm thì Bạch Ngọc Đường đã có ít nhất năm thành công lực của ông ấy, năm đó hắn xuống Thiên Sơn khi mới mười mấy tuổi đã làm chấn động cả võ lâm.

Nhưng vấn đề của phái Thiên Sơn lại nằm ở đám “thiên tài” mà Thiên Tôn đã từng chỉ dạy.

Nếu trong một đám cừu chỉ có một con cừu đầu đàn thì đám cừu sẽ rất nghe lời và ổn định, nhưng vấn đề là trong đám cừu lại có mấy chục con cừu đầu đàn, vậy thì lộn xộn rồi.

Đám môn đệ của Thiên Tôn ai cũng là thiên tài, bọn họ ngoài phục Thiên Tôn thì chẳng phục ai cả, mà Thiên Tôn lại chọn ra một Lục Phong thích hòa bình và võ công tầm thường nhất làm chưởng môn, ngày thường ông ấy cũng chẳng quản chuyện của phái Thiên Sơn khiến cho nội đấu cực kỳ nghiêm trọng.

Người thiên hạ đều biết phái Thiên Sơn rối loạn, nhưng không ai quản được, Thiên Tôn chẳng muốn quản và để kệ bọn họ náo loạn, bởi vậy khi người giang hồ nhắc đến phái Thiên Sơn đều lắc đầu ngao ngán.

Ngược lại, tính cách của Ân Hậu cũng khác xa Thiên Tôn lạnh lùng như thần tiên, nghe nói là khá vô lại, nhận đồ đệ hoặc tìm môn đệ chỉ cần hợp tính, mặc kệ ngươi là đồ ngốc hay tên đần, là vô lại hay lưu manh.

Vả lại Ân Hậu có một thói quen lạ là rất thích nhặt người…

Ví dụ như những kẻ không có nhà để về, tội ác tày trời, giang hồ suy bại, cùng đường bí lối… Tóm lại là như nhặt chó hoang mèo hoang về rồi cho ăn uống nuôi tại Ma Cung, rảnh rỗi thì đùa vui cùng nhau.

Bởi vậy lão ma đầu và tiểu ma đầu trong Ma Cung có quan hệ rất khắn khít, có thể nói là hạnh phúc vui vẻ như một đại gia đình.

Chuyện đời luôn không theo lẽ thường. Một đám thiên tài danh môn chính phái ở cùng nhau lại đấu tranh quyết liệt, mà một đám ma đầu phố chợ người này tệ hơn kẻ kia sống chung với nhau lại hòa thuận vui vẻ, thật sự lạ thay.

Nhưng may mà hiện tại hai môn phái này không còn nhận đồ đệ mới nữa, mặt ngoài phái Thiên Sơn vẫn yên ổn, nhân tài vẫn đông đúc, bởi vì Thiên Tôn còn sống nên chẳng ai dám quá mức.

Mà nghe nói cả đám lão nhân của Ma Cung suốt ngày ăn uống vui chơi, không can dự chuyện giang hồ, ung dung tự tại.

Ngoài ra Thiên Sơn và Ma Cung cũng có hai hậu bối trẻ tuổi thần bí.

Phái Thiên Sơn thì khỏi cần nói, đồ đệ bảo bối Bạch Ngọc Đường mà một tay Thiên Tôn dạy dỗ ra đây thây!

Nhưng từ đầu Bạch Ngọc Đường đã tỏ ý không có hứng thú với phái Thiên Sơn, hơn nữa rõ ràng tính tình của hắn còn tùy ý phóng túng hơn cả Thiên Tôn, không màng chính sự và không tham gia bất cứ cuộc tụ họp giang hồ nào. Không hề tranh đoạt chức minh chủ gì đó và cũng chẳng cướp giật bảo tọa này kia. Mặc dù đám cao thủ của phái Thiên Sơn không thích hắn lắm, nhưng cũng không gây hấn với hắn.

Mà nghe nói Ma Cung cũng có một vị thiếu chủ có võ công cực cao, là cháu ngoại bảo bối của Ân Hậu. Chỉ là thân phận của vị thiếu chủ này cực kỳ thần bí, người của Ma Cung xưa nay không đề cập đến, chỉ nói với bên ngoài là tiểu chủ nhân nhà chúng ta thế thôi.

Hoàn cảnh của đối phương không giống như Bạch Ngọc Đường, nghe nói từ nhỏ vị tiểu chủ nhân này đã được hơn ba trăm đại tiểu ma đầu nuông chiều nuôi lớn.

Người giang hồ nghe lời đồn đó thì đều cảm thấy hết hồn, vậy chẳng phải là tiểu ma tinh đúng chuẩn sao? Sẽ xấu xa đến thế nào đây… Tốt nhất là ở lại Ma Cung, tuyệt đối đừng thả ra gây họa cho nhân gian.

Từ đoạn miêu tả về bối cảnh của phái Thiên Sơn và Ma Cung trở lên, bỏ đi đoạn “tiểu chủ nhân Ma Cung” trong truyền thuyết thì những điều khác đều là do Triển Chiêu phổ biến kiến thức giang hồ cho nhóm Triệu Phổ, Công Tôn và Tiểu Tứ Tử cùng những người khác ở trên xe ngựa lớn.

Trước kia Tiểu Tứ Tử ở nhà với Công Tôn chỉ biết một số chuyện về thảo dược, độc dược này kia, cùng lắm là nghe kịch thoại về Tam Quốc ở trên phố, lần đầu tiên nghe chuyện giang hồ xuất sắc đến thế, bé chống mặt mở to mắt, cảm thấy cực kỳ hứng thú đối với Thiên Tôn và Ân Hậu!

Triệu Phổ chống cằm khoanh chân, Tiểu Tứ Tử đã rất thân thiết với hắn đang ngồi trên chân hắn. Triệu Phổ lên tiếng: “Có lẽ ta từng gặp Thiên Tôn.”

Mọi người đều sửng sốt, ngạc nhiên nhìn Triệu Phổ.

Mấy năm qua Triển Chiêu hành tẩu giang hồ luôn muốn gặp Thiên Tôn nhưng chưa từng gặp, y thắc mắc Triệu Phổ luôn ở thành Hắc Phong sao lại gặp được.

“Ta không chắc có phải là ông ấy không.” Triệu Phổ hỏi: “Gầy gầy cao cao, dáng người trông gần giống Bạch Ngọc Đường, độ đẹp trai cũng tương tự, rất trẻ tuổi và có mái tóc trắng.”

“Đúng rồi!” Triển Chiêu gật đầu: “Thiên Tôn trông có vẻ trạc tuổi Bạch Ngọc Đường, cùng lắm là hơi trải đời hơn một chút.”

“Vậy chắc là ông ấy rồi.” Triệu Phổ gật đầu: “Ta từng thấy ông ấy ở thành Hắc Phong một lần. Lần đó đánh trận với Tây Hạ, ngay tối hôm đó khi ta ra ngoài cổng thành quan sát doanh trại quân địch thì trông thấy một người mặc đồ trắng đứng ở lầu cổng thành Hắc Phong. Dưới ánh trăng nhìn rất rõ ràng, ông ấy ra hiệu với ta, dường như chỉ về sơn cốc phía Tây Bắc, rồi ta định đến gần thì ông ấy đã biến mất. Sau đó ta nghi ngờ nên phái người đến sơn cốc ấy xem thử mới phát hiện ra cơ quan dày đặc. Đó là con đường mà hôm sau chúng ta phải đi, khi đó không có nhiều người biết, thế nên ta nhận ra trong quân doanh có nội gián.”

“Thế là coi như Thiên Tôn đã giúp ngươi một việc à?” Công Tôn hỏi.

“Nếu lần đó không có sự chỉ điểm của ông ấy thì có lẽ thương vong sẽ rất nặng.” Triệu Phổ cười nhạt: “Tóc trắng đã rất đặc biệt, đặc biệt nhất là khinh công cao đến mức ta chẳng thể nhận ra sự tồn tại của ông ấy, nếu như là kẻ xấu thì ta đã chết mấy lần rồi.”

“Oa…” Tiểu Tứ Tử say mê: “Hóa ra sư phụ của Bạch Bạch lợi hại thế à, muốn gặp quá đi mất.”

“Coi bộ lần này không gặp được rồi, chẳng phải trong thư ông ấy bảo là đến Vân Nam à.” Công Tôn tiện tay ẵm Tiểu Tứ Tử sang, mấy ngày qua y phát hiện ra một vấn đề rất nghiêm trọng, chính là thời gian Tiểu Tứ Tử quấn lấy Triệu Phổ đã nhiều hơn cả mình. Trước đây cục bột này chỉ luôn cuộn tròn ở trong lòng mình, nhưng kể từ sau khi quen biết đám Triệu Phổ thì Tiểu Tứ Tử đã trở nên “buông thả” hơn rồi! Bình thường không chơi đùa với đám ảnh vệ, nghe Âu Dương Thiếu Chinh nói vớ vẩn, ăn cùng Triển Chiêu thì cũng ngủ gật ở bên cạnh Triệu Phổ, người làm cha như y đã có cảm giác nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng!

Mấy hôm nay bởi vì đi thuyền xe vất vả mà Bàng Thái sư đã gầy đi một chút, mấy ngày qua chẳng biết ông ta ăn phải thứ gì lại bị tiêu chảy, uể oải nằm lẩm bẩm trong góc xe ngựa.

Bao Chửng hơi bối rối nhìn quyển hồ sơ mà Triển Chiêu phí cả buổi trời mới tìm ra được — Đây là vụ án kiểu gì đây, hoàn toàn không hợp lẽ thường.

“Nè Triển hộ vệ.” Bàng Cát tò mò hỏi Triển Chiêu: “Bạch thiếu hiệp về phái Thiên Sơn xử lý chuyện gì vậy?”

Triển Chiêu mới nhớ ra hình như thái sư chưa đọc phong thư của Thiên Tôn gửi cho Bạch Ngọc Đường, bèn kể cho ông ta nghe: “Một đệ tử rất nổi tiếng của phái Thiên Sơn đã chết, tên là Nhạc Thành Tây, một trong mười đại cao thủ của phái Thiên Sơn. Chết ở trong thư phòng của mình, một đao cắt họng, cửa vẫn khóa trái từ bên trong.”

“Chết một đồ đệ thôi mà, tại sao khiến cả giang hồ phải quan tâm đến chuyện này?”

“Vì Nhạc Thành Tây là đệ tử đã học xong và rời phái Thiên Sơn xuống núi tự lập môn phái!” Triển Chiêu nói: “Hình như gần đây phái Thiên Sơn có đại hội đấu võ bốn năm một lần, toàn bộ đệ tử của Thiên Sơn sẽ đấu võ phân chia xếp hạng. Trận đấu này không hạn chế cấp bậc, cho dù là tiểu đồ đệ mới nhập môn cũng có thể tham gia. Người đấu thắng cuối cùng chính là đại đệ tử, sau này có khả năng kế thừa phái Thiên Sơn. Bảng xếp hạng của phái Thiên Sơn rất có quyền uy tại võ lâm Trung Nguyên, hơn nữa trận đấu võ mỗi bốn năm một lần cũng là thời thịnh thế, sẽ có rất nhiều nhân sĩ võ lâm tới quan sát học hỏi. Theo trong thư thì trước khi chết Nhạc Thành Tây đã để lại một câu trên thư trác: Máu nhuộm đầm Bích Thủy, phái Thiên Sơn ắt vong.”

“Đầm Bích Thủy…” Bao Chửng buông quyển hồ sơ mà Triển Chiêu tìm ra: “Lần này vụ án phải điều tra cũng có liên quan đến đầm Bích Thủy.”

“Vụ án này chắc bịa đặt quá nửa rồi nhỉ?” Triệu Phổ ngáp: “Thú kỳ lân chạy ra ăn thịt người, quỷ mới tin.”

“Thế nhưng hôm đó có người chứng kiến.” Công Tôn trải hồ sơ ra.

Hóa ra đây là một vụ án chưa được phá vào năm năm trước.

Đầm Bích Thủy nằm ở lưng chừng sườn núi Bích Thủy, là đầm nước lớn nhất và đẹp nhất của cả trấn Bích Thủy. Xung quanh đầm nước có chín thác nước, phong đỏ bao quanh ven bờ. Sở dĩ nơi đây nổi tiếng là vì nghe đâu trong đầm Bích Thủy có một con kỳ lân.

Lời đồn đầm Bích Thủy có kỳ lân đã hơn trăm năm, được người ghi chép sớm nhất là vào thời tiền triều, kể rằng có một tiều phu trông thấy một con kỳ lân ngoi lên thở từ trong đầm Bích Thủy, nhìn thấy người thì lặn xuống nước. Sau đó lần lượt nghe nói có người từng trông thấy. Năm năm trước, nghe đâu có mấy người đi qua đầm Bích Thủy, nào ngờ bỗng có kỳ lân ngoi ra từ trong nước rồi xơi tái hết mấy lữ khách đó, cả quá trình bị một tiều phu trông thấy. Tiều phu chạy đi báo quan, quan viên phái người tới điều tra nhưng chỉ nhìn thấy vết máu ở dưới đất chứ không thấy thi thể.

Sau đó có người của quán trọ tới báo án, bảo rằng mấy thương nhân của vùng khác đi ngang đây ở tại quán trọ của hắn, sau khi lên đầm Bích Thủy ngắm phong cảnh thì chẳng trở về nữa.

Quan viên muốn tìm người có khả năng bơi lội tốt lặn xuống nước để điều tra, nhưng ai dám chứ? Nghe nói đầm Bích Thủy sâu ngàn thước, bởi vậy vụ án này coi như bỏ đó. Sau này cũng chẳng ai dám lại gần khu vực này nữa.

Tuy rằng phái Thiên Sơn gần như chiếm giữ cả núi Bích Thủy nhưng chỉ riêng đầm Bích Thủy ấy là không đụng đến, nguyên nhân thì chẳng ai biết được.

Nhưng tin đồn thì chỉ là tin đồn, trên đời này có kỳ lân thật hay không, chẳng ai từng trông thấy cả.

“Có phải chỉ là cá sấu hơi to chút không?” Công Tôn hỏi.

“Ta cũng cảm thấy có khả năng.” Bao Chửng cũng gật đầu: “Kỳ lân thì hơi kỳ lạ.”

“Đúng vậy.” Bàng Thái sư nằm trong góc xoa bụng: “Có kỳ lân thì chứng tỏ có tỳ hưu, tỳ hưu không thể thải phân, được à?”

Mọi người đều câm nín nhìn thái sư tự cho là kể được trò cười gì thú vị lắm đang cười khà khà không ngừng. Bao Chửng rất muốn chọt cái bụng tròn xoe của ông ta xem có xì hơi không.

Chỉ có Tiểu Tứ Tử nể mặt cười ngặt nghẽo, nhào sang xoa bụng của Bàng Thái sư. Thái sư bèn chọc lét bé, ông ta muốn có cháu lắm rồi, tiếc là một đứa con gái một đứa con trai lại chẳng ai muốn sinh đời thứ ba cho ông ta cả, đành phải chọc Tiểu Tứ Tử cho đỡ thèm.

“Đại nhân.”

Lúc này Triệu Hổ vén rèm lên, nói với Bao Chửng: “Đến phủ Hi Châu rồi.”

Nhóm Triển Chiêu đều ló đầu ra ngó nhìn bên ngoài xe… Trông thấy đỉnh núi cao ngất đụng mây ở phía Tây.

“Thảo nào tên là Tiểu Thiên Sơn.” Triệu Phổ gật đầu khen ngợi: “Ngọn núi đó đủ cao đấy…”

Trên núi Bích Thủy đúng là có một sơn trang rất lớn, trên con đường núi ngoằn ngoèo dẫn đến sơn trang có một cổng núi to lớn, trên cổng đề ba chữ “phái Thiên Sơn” uy nghiêm mạnh mẽ, rất có khí thế.

Chỉ là trên cổng núi cột đỏ đỉnh vàng ấy treo một tấm lụa trắng, còn có hai đèn lồng giấy trắng viết chữ “cúng”.

Lúc này Giả Ảnh và Tử Ảnh phụng lệnh vào thành tra xét trước đã trở về.

Giả Ảnh đứng ngoài cửa sổ nói với mọi người: “Hôm qua phái Thiên Sơn lại chết hai người!” 

“Cái gì?” Triển Chiêu khó hiểu: “Ai?”

“Một tên Yến Lâm, một tên Từ Phi…”

“Yến Lâm?” Triển Chiêu ngẩn ra: “Là cao thủ Yến Lâm của núi Nhạn Đãng ư? Còn Từ Phi đó là ai?”

“Yến Lâm chính là cao thủ phái Đông của núi Nhạn Đãng, đến để xem trận đại chiến xếp hạng mấy hôm tới. Nghe nói ông ta là bằng hữu của chưởng môn Lục Phong, lần nào cũng đến xem so tài, nhưng năm nay tự nhiên dính vận hạn. Từ Phi là sư đệ của Yến Lâm, hai người họ là nhóm khách đầu tiên đến phái Thiên Sơn. Khi được phát hiện thì thi thể của hai người đang nổi trên đầm Bích Thủy, đều một đao cắt họng.”

Mọi người đưa mắt nhìn nhau — Đúng là máu nhuộm đầm Bích Thủy mà.

“Vậy Bạch Ngọc Đường đâu?” Triển Chiêu ló mặt ra ngoài cửa sổ, hỏi Giả Ảnh: “Bạch Ngọc Đường ở đâu?”

Còn chưa nói dứt câu đã cảm giác phía sau có người chọt chọt y, một giọng nói lạnh lùng mà Triển Chiêu nghe lại rất lọt tai từ tốn cất tiếng: “Bạch Ngọc Đường ở đây.”

Chương 2

Hãy nói gì đó cho xôm đi bà con :>